Theo Ngân hàng Nhà nước, 30.000 tỉ đồng là gói hỗ trợ các ngân hàng thực hiện cho vay hỗ trợ mua nhà ở, trong đó chỉ dành tối đa 30% cho doanh nghiệp vay. Tuy nhiên nhiều lo ngại gói hỗ trợ này phần nhiều dành cho doanh nghiệp.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, mục đích của gói tín dụng 30.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ người thu nhập thấp 70% và DN BĐS 30%. Tuy nhiên, có NH thông báo đăng ký 10.000 tỉ đồng cho vay và trong 2-3 năm đầu sẽ cho DN vay 60%, người mua nhà 40% liệu có vi phạm quy định?
Doanh nghiệp nào? Dân nào?
Ngày 1/6, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ người thu nhập thấp vay mua nhà với lãi suất 6%/năm sẽ chính thức có hiệu lực và đang được 05 ngân hàng chỉ định triển khai.
Ở góc độ nhìn từ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc công ty Địa ốc Lê Thành cũng bày tỏ băn khoăn rằng, từ chính sách đến thực tế bao giờ cũng có một khoảng cách khá xa, trong đó, lo ngại nhất là vấn đề thủ tục. “Liệu đối tượng mua nhà và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này có dễ dàng không?”, ông Nghĩa đặt vấn đề.
Doanh nghiệp lo từ chính sách đến thực tế bao giờ cũng có một khoảng cách khá xa
Lo ngại của ông Nghĩa là hoàn toàn có cơ sở khi thủ tục vay vốn dành cho doanh nghiệp của các ngân hàng có rất nhiều điều kiện. Đồng nghiệp của ông là giám đốc một doanh nghiệp có dự án nhà thu nhập thấp tại TP.HCM nói rằng, ngay cả những dự án nhà ở thương mại, nếu mới xây dựng xong phần móng và chưa xây dựng xong phần thô cũng không được ngân hàng cho vay, nếu không có tài sản khác thế chấp.
Đồng quan điểm trên, ông Phan Trường Sơn - Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3 cho rằng: các quy định về đối tượng cũng như trình tự tiếp cận gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp tương đối rõ ràng.
Những doanh nghiệp nào có hồ sơ “nét” sẽ dễ dàng được vay vốn, còn các dự án chuyển đối từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, để được vay vốn, sẽ phải qua nhiều thủ tục hơn.
Hiện đã có nhiều dự án mở cửa để đón đà phục hồi của thị trường. Những người có nhu cầu nhà ở thực sự cũng mong đợi song lại rất lo ngại có thể lại "dính" vào đợt sóng ảo khi khắp nơi ồ ạt bàn tán về gói hỗ trợ cho vay mua nhà, song việc tiếp cận chưa biết sẽ được đến mức nào.
Hãy thận trọng!!!
Ngóng đợi thông tin vay vốn để mua nhà, anh Nguyễn Tuấn, một công chức ở Hà Nội theo dõi sát sao từng thông tin về gói 30.000 tỉ đồng, tuy nhiên đến nay anh vẫn mù tịt thông tin.
‘Nói thật là hiện chúng tôi không biết làm thế nào để được vay vốn từ gói hỗ trợ này. Chúng tôi đến NH hỏi thủ tục thì vẫn chưa có bất cứ hướng dẫn nào’, anh Tuấn nói.
Tìm hiểu tại Vietinbank, một cán bộ tín dụng ở đây cho biết đã nhận được hướng dẫn từ hội sở nhưng do hướng dẫn phần nhiều dựa vào thông tư 07 của Bộ Xây dựng nên còn nhiều điểm chưa rõ. Dựa vào thông tư này, NH đã đưa ra quy định đối tượng vay là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách, viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang nhân dân. Như vậy, có thể hiểu đối tượng vay phải công tác tại phường, xã, phòng kinh tế, giáo viên và các ngành thuộc Nhà nước.
Nếu làm ở các đơn vị sự nghiệp bên ngoài phải thuộc đối tượng thu nhập thấp. Tuy nhiên, định nghĩa thế nào là đối tượng thu nhập thấp? Đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể....
Người dân thu nhập thấp không thể tiếp nhận gói cứu trợ
Tuy nhiên, khó hơn nữa là dù cho vay với các đối tượng thu nhập thấp nhưng NH lại yêu cầu đối tượng vay phải đa dạng nguồn thu nhập cũng như nguồn thu nhập trả nợ. Nghĩa là càng có nhiều nguồn tài chính để trả nợ càng dễ được NH xét duyệt cho vay. Bên cạnh đó còn phải có tài sản thế chấp là nhà đất của chính người vay hoặc của bà con họ hàng.
Chưa kể nếu người vay là công nhân viên chức, NH còn yêu cầu phải có xác nhận của đơn vị đang công tác về nơi công tác và thực trạng về nhà ở. Đối tượng là người thu nhập thấp cũng phải có xác nhận của chính quyền địa phương về hộ khẩu, thực trạng nhà ở…
Tiếp cận vốn đã khó, nhiều chuyên gia còn cảnh báo người dân hãy thận trọng. ‘Hết 3 năm hưởng mức vay mua nhà 6%, nếu lãi suất thả nổi vọt lên rất cao, người có thu nhập thấp dễ rơi vào cảnh mất khả năng chi trả, vỡ nợ’, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng : cho vay mua bất động sản với lãi suất không cố định chẳng khác nào nhử người ta vào cái bẫy lãi suất thấp. Khi người ta chui vào rọ rồi thì lãi suất có thể đẩy lên tới mức nào tùy thích, điều đó là không thể chấp nhận được, bởi hầu hết những người ít tiền mới đi vay để mua nhà.
Họ sẽ tính toán khả năng trả lãi hằng tháng dựa trên thu nhập của mình. Trong khi lãi suất chỉ cố định ba năm đầu, mà khi hợp đồng vay vốn mua nhà thường là 10-15-20 năm. Nếu sau ba năm lãi suất không phải 6% mà là 10%, thậm chí lên 60% thì sao?
Tiền trả lãi hằng tháng thay vì 3 triệu thành 6 triệu, 9 triệu đồng thì những người này có trả nổi ngân hàng hay không? Lãi không trả được, gốc cũng không, chẳng mấy chốc món tiền này thành nợ xấu. Nên rõ ràng cần phải nghiên cứu lại chứ hình thức lãi suất thả nổi sau ba năm cho mua nhà là chuyện bất khả thi.
Chuyên gia Hiếu cũng đưa ra lời khuyên cho những người đang có ý định mua nhà rằng, phải tính toán kỹ thu nhập của mình. Nếu phải trả gốc và lãi cho ngân hàng quá 50% thu nhập mỗi tháng thì không nên vay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét